Thực tế ảo tăng cường- Xóa dần khoảng cách trong giáo dục Việt Nam

0
6009

(VOV5) – Công nghệ thực tế ảo được cho là sẽ giúp việc dạy học hấp dẫn, sinh động và hiệu quả hơn trong tương lai. Trong khuôn khổ dự án: “ Học tập cho trẻ em” giai đoạn 2017-2021 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UNICEF, 6 trường thuộc 4 địa phương gồm: Lào Cai, Kon Tum, Đồng Tháp, Hà Nội đã được chọn thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường ở hai cấp giáo dục: Mầm non và Trung học cơ sở. Vừa qua, UNICEF cùng đối tác là Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng, gọi tắt là CFC đã tổ chức tập huấn: “Áp dụng thực tế ảo tăng cường trong giáo dục” cho giáo viên, chuyên viên, lãnh đạo giáo dục đến từ các trường, phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Các thầy cô giáo chịa sẻ sử dụng ứng dụng công nghệ ảo. Ảnh Ý Dịu
 

Trường mầm non Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sapa được chọn tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn công nghệ thực tế ảo trong dạy học. Chia sẻ về việc lựa chọn những địa phương còn nhiều khó khăn, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số và mức độ tiếp cận Internet của học sinh mới chỉ 17% như ở Lào Cai. “Tiêu chí của UNICEF khi chọn địa bàn là muốn “thu hẹp” khoảng cách số, đặc biệt đối với những trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất như trẻ em các vùng sâu, cùng xa, là nơi mà điều kiện internet và công nghệ hạn chế. Đơn giản vì trẻ em và thanh thiếu niên ở những nơi này cần UNICEF nhất” là điều bà Hồ Trần Thanh Huyền, đại diện UNICEF ở Việt Nam chia sẻ

Các em học sinh rất thích thú khi được trải nghiệm mô hình học tập này. Ảnh Ý Dịu

Ông Nguyễn Trường Chinh, Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết địa phương cũng sẵn sàng cho những xu thế mới trong giáo dục như việc ứng dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy. Và địa phương cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cả về trang thiết bị kĩ thuật, tập huấn từ phía UNICEF trong việc mở rộng phạm vi hỗ trợ nhằm tạo nên sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Mặt khác, từ những hỗ trợ ban đầu này sẽ tạo động lực để các thầy cô giáo, đội ngũ quản lí giáo dục ở những địa bàn khó khăn  chủ động hơn nữa trong quá trình giảng dạy theo xu hướng số hóa. 

Công nghệ thực tế ảo được cho là sẽ giúp việc dạy học hấp dẫn, sinh động và hiệu quả hơn trong tương lai. Trong đợt tập huấn, đại diện UNICEF cũng trao tặng 10 máy tính bảng Samsung A7 10 inch đời mới nhất và 50 kính thực tế ảo Homido Mini VR glasse cho ba trường: mầm non Tả Phìn, THCS-THPT Bát Xát. Ngoài ra, đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng đã đến thăm và trao đổi với giáo viên, học sinh về việc thực hiện chương trình Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ.

Phóng viên Ý Dịu VOV2

Link bài gốc: https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/thuc-te-ao-tang-cuong-xoa-dan-khoang-cach-trong-giao-duc-viet-nam-959600.vov#&gid=1&pid=1